Hệ Thống Cửa Hàng Punnata Trên Toàn Quốc
-
Authentic Store 1: Số 70 Thái Hà Quận Đống Đa Hà Nội
-
Punnata Cake: Số 66 Chùa Láng Đống Đa Hà Nội
-
Punnata Coffee: 191 Phố Huế Hà Nội
-
Hà Nội 5: Số 269 Chùa Bộc (Ngã tư Chùa Bộc - Tây Sơn), Q. Đống Đa, TP. Hà Nội
Cháo Khao Quân Cháo Vạn Xuân Cháo Đại Việt
Từ bao đời nay, “cháo se” đã trở thành món ăn quen thuộc, không thể thiếu trong những ngày lễ, Tết, những dịp đặc biệt quan trọng của người dân ba làng Cánh xưa kia và người dân thị trấn Hương Canh, huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc, ngày nay.
Thị trấn Hương Canh không chỉ nổi tiếng bởi truyền thống làm gốm sứ lâu đời, mà còn được biết đến với món cháo se truyền thống. Cháo se là món ăn dân dã, được làm từ bột gạo tẻ, nấu trong nước xương và thịt nạc băm. Chỉ là món cháo, nhưng cách chế biến món ăn này cũng thật kỳ công, đòi hỏi người nấu phải thật tỉ mỉ, khéo léo.
Về Hương Canh, chúng tôi được nghe nhiều câu chuyện lịch sử kể về món cháo se, trải bao thế hệ còn lưu truyền lại đến hôm nay. Người dân kể rằng, món cháo se xuất hiện vào những năm cuối của cuộc chiến giữa dân làng Hương Canh chống quân khởi nghĩa Nguyễn Danh Phương (1741 - 1750). Khi đó, dân làng Hương Canh lâm vào tình trạng thiếu lương thực vì 7 vụ lúa liên tiếp bị quân của Nguyễn Danh Phương về gặt cướp đi mất. Tuy lâm vào tình cảnh đói kém nhưng người dân ở đây vẫn đoàn kết một lòng giữ làng, quyết không đầu hàng giặc. Các nhà chia thóc cho nhau, rút mái tranh cho trâu, bò ăn để khỏi chết đói. Thế rồi, số lương thực dự trữ cũng gần cạn kiệt, gạo trong làng còn lại rất ít ỏi, tình thế ngày càng khó khăn...
Hương Canh xưa là làng tự quản, có đội ngũ trai tráng bảo vệ làng xóm. Ngày thường họ là những tráng đinh, thời loạn lạc thì làng tụ hợp lại, luyện tập thành đội quân giữ làng, có chỉ huy và vũ khí riêng. Vì vậy, hội đồng kỳ mục đã họp bàn, tìm cách chống đói cho cả quân và dân. Các cụ cho rằng, số gạo còn lại trong làng nên giã nhỏ ra làm bánh sẽ được nhiều hơn và khi chia phần để nuôi quân cũng sẽ đều nhau hơn. Số bột còn lại đem nấu cháo để húp chống đói. Thế là, nhà nào nhà nấy gom gạo cho làng làm lương thực chung. Phần lớn bột để làm bánh, phần bột thừa còn lại thì giã nhỏ nấu thành cháo chia cho mọi người. Vì đã được đem giã nhỏ nên thứ cháo ấy nấu lên sánh như hồ loãng, tuy nấu được nhiều nhưng ăn lại nhanh đói, người dân nảy ra ý định cho thêm bột gạo vào cháo loãng kia và cũng là để có cảm giác ăn được nhiều “cái” hơn. Số bột ít ỏi sau khi làm bánh thừa được cán mỏng và siết thành những thớ bột nhỏ và dài để cho thêm vào nồi cháo bột loãng. Tuy nhiên, sợi bột khi cho vào nồi cháo nóng bị vón cục mà lại không đều, người dân bèn cho thêm nước vào phần bột ấy, nhào trộn cho đều, rồi để lên hai tay se lại cho bột chảy xuống từ từ. Khi lăn nhẹ, bột ướt dần dần chảy từng sợi nhỏ giữa hai lòng bàn tay vào nồi cháo đang sôi nên xuống đến đâu thì bột chín đến đó, không bị chìm mà lơ lửng trong nồi cháo. Với cách làm ấy, dân làng Cánh đã sống qua những ngày tháng gian khổ nhất trong những ngày tháng bị vây hãm...
Xung quanh những câu chuyện liên quan đến món cháo se, chúng tôi còn biết thêm được nhiều câu chuyện, giai thoại lịch sử về con người và mảnh đất anh hùng này. Sân đình làng Hương Canh từ xa xưa đến tận ngày nay vẫn giữ lệ ngày 25 tháng Chạp âm lịch hàng năm họp phiên chợ Tết chỉ để bán cháo se, bánh hòn cho người già và con trẻ khắp vùng quê về thưởng thức... Một vài ngày đặc biệt trong năm như: Giỗ trận vong giặc thằng què (ngày 29 tháng 4 hàng năm) hay ngày giỗ trận lần 2 - Giỗ trận vong giặc Cờ Đen (ngày 2 tháng 2 âm lịch), người dân trong vùng đều làm món cháo se để cúng tế, tưởng nhớ những nghĩa sĩ đã từng chiến đấu, hy sinh.
Chị Nguyễn Thi Huệ (xã Quất Lưu, thị trấn Hương Canh, Bình Xuyên) cho biết: “Từ nhỏ, các chị em trong gia đình tôi đã được mẹ chỉ cho cách nấu món cháo se. Trước kia, làng tôi thường nấu món cháo này vào những dịp đặc biệt, nhất là rằm tháng 7 hay tiệc tháng 8 của làng. Nhưng nay thì nấu nhiều hơn, bất kể lúc nào thích là đều có thể nấu được”.
Rời làng cổ Hương Canh, chúng tôi vẫn còn vương vấn bởi từng sợi cháo mượt mà, được gắp bằng đôi đũa, từ tốn đưa vào miệng còn đọng lại đâu đó hương thơm của gạo lúa mới và vị ngọt của thịt hòa quyện với nhau, để lại ấn tượng khó quên với những ai đã từng một lần thưởng thức nó.