Giỏ hàng

Cháo Cho Em Bé Cháo Cho Cụ GIà Cháo Cho Các Cặp Đôi

Thương hiệu: Punnata
Loại: Bánh Donut
Giá: 55,000₫ (Đã có VAT)
Số lượng

Hệ Thống Cửa Hàng Punnata Trên Toàn Quốc

PHƯƠNG THỨC ĐA DẠNG
THANH TOÁN ĐẢM BẢO
HỖ TRỢ 24/7

 

Ở nhiều làng quê xứ Đoài, trong những dịp lễ trọng của gia đình, làng mạc như: Ngày giỗ tổ, hội làng… luôn có món cháo se. Một trong những địa phương còn lưu giữ món cháo se nổi tiếng là xã Hạ Mỗ (huyện Đan Phượng). Người dân Hạ Mỗ coi cháo se là món ăn của tình thân; trong mâm cỗ, cháo se thường được múc vào bát nhỏ, dùng trước món chính để khai vị.

Lạ mắt, lạ vị

Về Hạ Mỗ những ngày này, có thể thấy giao thông thuận lợi, đường làng ngõ xóm sạch đẹp, những di tích lịch sử nổi tiếng, như: Miếu Hàm Rồng, đình Vạn Xuân... được cải tạo, sửa chữa khang trang, thu hút đông đảo người dân đến tham quan, thăm thú làng quê.

Trong câu chuyện với phóng viên Báo Hànộimới, ông Nguyễn Văn Tọa - người làng Hạ Mỗ nhắc tới một trong những món ăn độc đáo của địa phương là cháo se - thứ cháo không ăn bằng thìa như một số nơi mà ăn bằng đũa: Vùng đất Hạ Mỗ xưa kia là trung tâm thành cổ Ô Diên, một thời là kinh đô nhà nước Vạn Xuân dưới triều Hậu Lý Nam Đế - Lý Phật Tử. Trải dài qua năm tháng, nhiều người tới đây sinh cơ, lập nghiệp, gây dựng và phát triển, rồi "con đàn cháu đống" phát triển thành nhiều dòng họ. Người tới trước, kẻ đến sau kề vai sát cánh, dựng xây thôn, xóm, tạo lập quê hương. Các phong tục, tập quán từ nhiều vùng miền được quy tụ về, hòa vào nhau, truyền từ đời này qua đời khác. Người dân Hạ Mỗ vẫn có câu ca: “Làng chúng tôi Đế vương đất cũ/Người chúng tôi Tể phụ ngày xưa/Đất này là đất cố đô/Người trung, trung tự thuở xưa đến giờ”.

Cũng như nhiều làng Việt cổ, từ bao đời nay, người dân Hạ Mỗ đã tạo dựng cho mình một đời sống ẩm thực phong phú, mang đậm bản sắc. Và món cháo se cũng được hình thành một cách tự nhiên như thế.

Món cháo se lạ mắt, lạ miệng này góp phần tạo nên một nét thú vị về ẩm thực trong văn hóa truyền thống của Hạ Mỗ. Người dân nơi đây cho biết, nguyên liệu để nấu cháo se khá đơn giản, thường chỉ là gạo tẻ và xương lợn. Thế nhưng, để chế biến món cháo se, người đầu bếp phải chuẩn bị khá nhiều công đoạn tỉ mỉ. Gạo tẻ loại ngon sau khi vo kỹ được mang đi ngâm nước khoảng 12 giờ cho mềm rồi xay thành bột nước. Tiếp đến là dùng khăn lọc hoặc cho bột nước vào một túi vải dày rồi treo lên cao cho róc bớt nước để thu được bột dẻo mềm nhuyễn và trắng.

Nước dùng nấu cháo có thể được ninh từ bất kỳ phần xương nào, thế nhưng ngon nhất vẫn là xương đuôi. Xương sau khi được ninh nhừ sẽ có nước dùng ngọt thanh mà không bị ngấy. Khi đã có nước xương hầm, người ta sẽ cho từng phần bột nhỏ vào lòng bàn tay và se lại thành các sợi bằng đầu đũa rồi thả vào nồi nước dùng đang sôi. Công đoạn này khá mất thời gian nên thường có hai đến ba người cùng làm. Những sợi bột được se khéo léo và thả trong nước đã sôi già nên chín nhanh mà không dính vào nhau. Thi thoảng, người nấu sẽ dùng một đôi đũa dài, khuấy nhẹ để các sợi bột ngắt ra thành những đoạn ngắn, vừa miệng.

Phần thịt, dù ít ỏi lấy từ những miếng xương được băm nhỏ và xào với hành khô, một chút gia vị cho đậm đà để ăn cùng cháo chín. Theo những người có kinh nghiệm nấu cháo se thì cháo ngon nhất khi sử dụng nồi gang và nấu trên bếp củi và khi nấu cần giữ lửa vừa phải để cháo không bị bén nồi.

Một sản phẩm du lịch đặc trưng

Nhanh tay chuẩn bị món cháo se để dâng cúng tổ tiên và thiết đãi các bậc cao niên cũng như du khách đến tham quan, chị Đinh Thị Thanh người làng Hạ Mỗ nói: Ở đây phụ nữ nào cũng biết nấu cháo se, lúc nhỏ tay yếu nên những sợi bột chưa đẹp, sau rồi quen dần và những sợi bột trở nên đều hơn.

Thay vì đổ bột vào nồi và khuấy đều như các món cháo khác, người làng Hạ Mỗ vo từng nắm bột tròn xoe trên tay và se đều thành những dải bột. Cứ se như thế, sợi gạo dài xuống nồi nước đang sôi thì lại lấy tay ngắt và se tiếp. Được chị Đinh Thị Thanh hướng dẫn tôi cũng thử trổ tài. Lúc đầu làm chưa quen nên sợi bột còn to, đứt quãng nhưng rồi cũng thuần thục dần sau vài lần thử. Với nhiều người, làm cháo se là một trải nghiệm thú vị khi đến với Hạ Mỗ.

Nói không quá, cháo se chính là món ăn của tình thân, ngoài các dịp lễ trọng đại, mỗi khi gặp gỡ bạn bè hay người thân - dăm bảy người là có thể làm nồi cháo se ăn đổi vị. Bên nồi cháo nghi ngút khói, thơm lừng mùi của xương ninh là mọi câu chuyện của đời sống. Dù rất đỗi bình thường với người dân nơi đây nhưng cháo se lại là ký ức, là niềm mong nhớ khôn nguôi của những người con xa quê.

Chị Nguyễn Thùy Dương, một người con quê hương Hạ Mỗ làm ăn xa, chỉ dịp lễ, Tết mới có dịp về thăm nhà chia sẻ: Đi đâu thì đi, cứ về tới nhà là phải thưởng thức hương vị cháo se quê mình. Những ngày tháng xa xứ, ký ức về những ngày nhà có việc, loay hoay cùng bà, cùng mẹ quanh nồi cháo se cứ theo tôi mãi, để đi đâu rồi cũng muốn trở về.

Nói về món ăn đặc sắc của quê hương, Chủ tịch UBND xã Hạ Mỗ Bùi Tất Thêm cho biết, vùng đất Hạ Mỗ nằm bên ba con sông lớn là sông Nhuệ, sông Hồng và sông Hát, quanh năm phù sa bồi đắp, lúa gạo và sản phẩm nông nghiệp phong phú.

Vì vậy, từ xa xưa, người Hạ Mỗ đã chế biến nhiều món ăn ngon, như: Bánh gio, đậu phụ, bột sắn dây, nổ nén… Song, độc đáo nhất phải kể đến món cháo se, ít địa phương trong nước có món này.

Là vùng đất cổ giàu truyền thống lịch sử, văn hóa, Hạ Mỗ đã được quy hoạch thành vành đai xanh của thành phố và được công nhận là điểm du lịch của Thủ đô. Hạ Mỗ sẽ khai thác lợi thế phát triển du lịch tâm linh, để du khách có dịp đến nơi đây sẽ hiểu thêm về mảnh đất này với những danh thắng độc đáo, những món ẩm thực quê hương cùng tình cảm nồng hậu của con người. Bao đời người Hạ Mỗ yêu quý, trân trọng, gìn giữ món ăn mộc mạc và nay đời sống ngày càng phát triển, nhiều món ăn Âu, Á du nhập nhưng từ người dân địa phương cho đến khách phương xa tới Hạ Mỗ đều thích thú với món cháo se.

"Thời gian tới, với đề án phát triển du lịch của xã nói riêng và của huyện nói chung, chúng tôi sẽ phát triển món cháo se cùng với một số món ẩm thực làng quê độc đáo trở thành một sản phẩm du lịch. Khách đến tham quan các danh thắng của Hạ Mỗ sẽ được trải nghiệm làm cháo se, thưởng thức thành phẩm của chính mình. Hy vọng với văn hóa ẩm thực đặc sắc, thời gian tới du lịch địa phương có nhiều bứt phá...", ông Bùi Tất Thêm cho biết thêm.

Hiện nay, ngoài Hạ Mỗ, cháo se còn hiện diện trong đời sống người dân ở một số xã khác của huyện Đan Phượng, của các huyện: Hoài Đức, Phúc Thọ. Người dân lưu giữ cháo se như một món ăn truyền thống của quê hương dành cho các thế hệ mai sau.

 

Sản phẩm đã xem

-%
0₫ 0₫