Cháo Se Truyền Thống Làng Lưu Xá Gây Thương Nhớ
Tạm gác sự bận rộn của thành phố, tôi theo một chị bạn về làng Lưu Xá, tham dự một buổi nấu cháo se trong một ngày họp mặt gia đình.
Người bạn của tôi quê ở làng Lưu Xá, Hoài Đức, Hà Nội vui vẻ kể rằng: chị đã đi khắp phố phường Hà Nội, nhưng chưa thấy nơi nào có món cháo se của quê chị. Mỗi lần tạm gác công việc bận rộn trên thành phố để về quê, hương vị của món cháo lại làm chị hưng phấn hơn để trở lại thành phố.
Điều làm nên sự đặc biệt cho món ăn này chính là cách chế biến và tình cảm của dân làng với món ăn. Ở làng Lưu này, đã thành cái lệ, cứ lần nào có một nhà làm cháo se thì những đứa trẻ con sẽ vui vẻ chạy khắp các nhà người thân, chòm xóm mời mọi người cùng đến ăn. Các cụ già chống gậy sang ngồi nhâm nhi chén trà, hàn huyên và ngắm con cháu tất bật với nồi cháo.
Mẹ của bạn tôi chào mọi người bằng nụ cười niềm nở và bê ra túi bột để làm “con se” trong cháo. Để có được túi bột ngon, bác đã cẩn thận chọn lấy loại gạo tẻ ngon, đã được vo, xát sạch và ngâm nước từ đêm hôm trước. Qua một đêm, bột đã có độ dai và dẻo giống bột làm bánh trôi.
Công đoạn được mọi người mong chờ nhất là lúc mang quả bột ra “se”. Trong lúc chờ nồi nước ninh xương sôi, bác gái lấy ra một cái mâm và bắt đầu se làm mẫu. Hai lòng bàn tay chụm vào nhau, miết nhẹ và đưa qua đưa lại đều đặn. Những “con se” trắng ngần, to bằng ngón tay trỏ người lớn từ từ chảy ra. Có lẽ vì động tác “xoe xoe” tay ấy mà có cái tên cháo se.
Khi trong nồi nước xương đã có kha khá “con se”, bác gái là người đảm nhận công đoạn vất vả nhất, đó là khoắng cháo. Phải đứng vững và cầm thật chắc chiếc đũa cả to như đòn gánh, khua nhè nhẹ, thật đều, vừa đủ để bột gạo quyện vào nước xương mà không làm nát các “con se”.
Cứ ngồi se được một lúc bác gái lại đứng lên vì phải khoắng liên tục để bột không lắng xuống đáy nồi thành cháy.
Sau khoảng hai đến ba tiếng, nồi cháo đã đặc sánh, các “con se” bắt đầu nổi lên, ngả màu trong trong thì đến một công đoạn khác là xào qua thịt nạc, cái khó của công đoạn này là phải nêm nếm gia vị sao cho vừa đủ, để từ cụ già đến trẻ nhỏ đều thấy ngon miệng.
Sau khi đã chắt hết nước dùng, phần xương còn lại sẽ được lọc lấy thịt và bì để cho thêm vào cháo, tạo nên vị béo ngậy rất đặc trưng. Cháo chín, hương thơm ngào ngạt, các “con se” trắng tròn nhìn ngon mắt như những miếng ngó sen. Ăn một thìa cháo là có thể cảm thấy vị thơm ngon của gạo quê, vị béo ngọt của xương ninh và cái dẻo mềm của từng “con se”.
Cháo se được nấu từ những dịp họp mặt gia đình, bạn bè, cho đến các ngày lễ như mừng thọ, thôi nôi. Món cháo mềm mại phù hợp cho cả người già và trẻ nhỏ đã trở thành hương vị đặc trưng mà những người con xa quê chẳng thể nào quên.